Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh – 5 câu hỏi thường gặp!

Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh là một trong những vấn đề được hầu hết các bậc phụ huynh quan tâm bởi đây là bệnh có thể gây nhiều nguy hiểm cho bé. Vậy thời điểm nào là tốt nhất để tiêm phòng lao cho trẻ, những tác dụng phụ có thể gặp sau tiêm là gì? Thông tin dưới đây sẽ giúp bạn đọc làm rõ các thắc mắc trên.

1. Vì sao lại cần phải tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh?

Lao là dạng bệnh truyền nhiễm với tác nhân gây nên bởi vi khuẩn lao (Mycobacterium tuberculosis – MTB). Chúng có thể lây lan trong không khí và khi người khỏe mạnh hít chung một bầu không khí với người bệnh, nguy cơ bị mắc sẽ cao.

Vi khuẩn này có thể tấn công rất nhiều cơ quan trong cơ thể, phổ biến nhất là phổi (chiếm khoảng 80-85%), với triệu chứng điển hình như: ho kéo dài, khó thở, đau ngực, sốt nhẹ thường về buổi chiều,…

Bệnh có thể dẫn tới biến chứng như: tràn dịch màng phổi, ho ra máu hoặc các biến chứng đối với xương, hệ thần kinh, màng não, tim và dẫn tới tử vong.

Trước đây, khi vắc xin phòng bệnh chưa có, lao vẫn được xem là “tứ chứng nan y” bởi những hậu quả chúng gây ra và sự đe dọa đối với tính mạng con người.

Nước ta cho đến nay vẫn có tỷ lệ mắc bệnh cao, trong khi đó, trẻ sơ sinh, trẻ em là đối tượng có sức khỏe, đề kháng còn non yếu, hệ miễn dịch chưa phát triển toàn diện nên lao là một trong những mối đe dọa lớn tới tính mạng.

Kể từ năm 1981, tại nước ta, vắc xin phòng bệnh này đã được trở thành một trong những nội dung của chương trình tiêm chủng mở rộng.

2. Loại vắc xin nào dùng để tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh?

Ở nước ta, vắc xin tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ có tên là BCG (Bacille Calmette-Guerin). Với một số đối tượng người trưởng thành chưa từng bị bệnh cũng có thể được sử dụng loại này để tiêm.

Cách thức hoạt động của vắc xin BCG cũng giống với hầu hết các vắc xin khác, đó là đưa vào cơ thể con người một lượng vi khuẩn đã được loại bỏ độc lực gây bệnh. Từ đó, cơ thể sẽ được kích thích, chủ động tạo ra kháng thể giúp chống lại bệnh.

Tuy nhiên, khi tiêm vắc xin phòng, không có nghĩa là người bệnh hoàn toàn miễn dịch 100% với bệnh.

3. Tiêm vắc xin phòng lao cho trẻ sơ sinh khi nào là tốt nhất?

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, vắc xin BCG nên được tiêm càng sớm càng tốt trong 30 ngày sau khi sinh và áp dụng đối với trẻ nặng trên 2kg.

Đối với những trẻ sinh ra có thể lực tốt và ổn định, không phải diện cần được chăm sóc đặc biệt thì việc tiêm phòng nên được thực hiện sớm, khoảng 30 ngày sau sinh. Càng muộn, khả năng ngăn ngừa, phòng tránh càng giảm đi.

Khi trẻ bước vào giai đoạn hơn 1 tuổi thì vắc xin chỉ có tác dụng nếu trẻ chưa bị nhiễm vi khuẩn gây bệnh. Trường hợp trẻ đã bị bệnh, việc tiêm phòng nên thận trọng và cần sự chỉ dẫn trực tiếp từ bác sĩ.

Những trường hợp cụ thể sau sẽ được chỉ định hoãn tiêm, đó là:

  • Đang mắc một số căn bệnh hoặc trong tình trạng sốt cao, nhiễm khuẩn, ốm, sức khỏe không đảm bảo.

  • Trẻ thiếu cân, sinh non, suy giảm miễn dịch hoặc bị suy dinh dưỡng.

Nếu thuộc một trong các trường hợp này, cần theo dõi tới khi thể trạng, sức khỏe của trẻ được cải thiện và đảm bảo để thực hiện chủng ngừa.

4. Những phản ứng phụ trẻ có thể gặp phải khi tiêm phòng lao

Việc xuất hiện phản ứng của cơ thể sau tiêm phòng là điều thường gặp và vắc xin phòng lao không phải là ngoại lệ. Theo đó, trẻ sau tiêm có thể bị:

  • Nốt đỏ xuất hiện ngay ở vết tiêm, thường là chúng sẽ biến mất hoặc cải thiện sau từ 30 phút tới 1 giờ.

  • Sưng hoặc xuất hiện áp xe tại chỗ tiêm cùng với sốt nhẹ, thường biến mất mà không phải thực hiện điều trị.

  • Sau từ 2 tuần tới 2 tháng hoặc có thể là thời gian lâu hơn nữa, chỗ tiêm sẽ trở nên đỏ, hình thành mủ rồi tự vỡ và loét ra. Sau khi lành, vết loét sẽ biến thành sẹo hơi lõm xuống. Đây là dấu hiệu của việc cơ thể đã sản sinh ra miễn dịch chống lại vi khuẩn này.

  • Một vài trường hợp khác, có thể thấy hiện tượng nổi hạch ở nách hoặc cổ. Hạch này mềm, không nguy hiểm và cũng có thể tự khỏi.

  • Sốt cũng có thể gặp và với trường hợp này, người lớn có thể dùng nước ấm lau người cho con. Nếu sốt cao, có thể hỏi ý kiến bác sĩ để cho uống hạ sốt, tăng cường nước và cho con bú như bình thường.

  • Dù tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vắc xin này là rất hiếm song không vì thế mà cha mẹ có thể chủ quan.

5. Tiêm phòng lao cho trẻ sơ sinh, cha mẹ nên lưu ý những điều gì?

Với việc tiêm phòng cho trẻ nói chung, tiêm phòng lao nói riêng, cha mẹ nên lưu ý thực hiện một số chỉ dẫn sau:

  • Chỉ thực hiện tiêm khi sức khỏe của con bình thường, không có dấu hiệu của mệt mỏi, bệnh tật.

  • Trước khi tiêm, nên cho con bú hoặc ăn vừa phải, tránh tình trạng quá đói hay quá no.

  • Mặc quần áo đơn giản, thoáng khí, thoải mái cho con để việc tiêm được thuận lợi và dễ dàng hơn bởi trẻ có thể sẽ khóc, giãy.

  • Tiêm xong, cha mẹ thực hiện nghiêm việc theo dõi tại nơi trong khoảng 30 phút và 1 tới 3 ngày đầu khi về nhà. Không cần kiêng khem quá mức, vẫn vệ sinh thân thể con sạch sẽ để tránh nhiễm trùng.

  • Dù thấy tay con sưng hay nổi hạch cũng không nên tự ý đắp hay bôi bất cứ thuốc gì lên chỗ tiêm.

  • Chú trọng cho trẻ ăn uống đầy đủ, lành mạnh.

  • Với hiện tượng vết tiêm đỏ, thành mủ, tạo sẹo, cha mẹ nên để quá trình này diễn ra bình thường, không nặn mà chỉ vệ sinh nhẹ nhàng. Đồng thời, cũng không cần thực hiện việc kiêng rau muống hay canh cua.

  • Nếu vết sưng quá to, mủ chảy nhiều, trẻ sốt cao, quấy khóc, cha mẹ nên đưa con tới bác sĩ chuyên khoa để kiểm tra, xử lý.

Gọi điện thoại
0913.149.971
Chat Zalo